Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2011

Tiền tệ Nhật Bản – Phần 2

Ngoài ý nghĩa là hiện kim dùng để chi trả trong mua bán, tiền còn là đối tượng hình thành nên những nét văn hóa, tín ngưỡng rất đặc thù của người Nhật.

Tại Nhật Bản có rất nhiều buổi tiệc mà khách mời mang phong bì tiền làm quà tặng chủ nhân. Đi cùng với phong tục này là dịch vụ kinh doanh thiệp nở rộ. Người Nhật vốn coi trọng hình thức, vì vậy, mỗi sự kiện tương ứng với một loại thiệp khác nhau.


Đặc trưng của thiệp cưới là hoa văn tươi tắn với các màu chủ đạo: đỏ trắng hoặc vàng bạc

Đặc trưng của thiệp cưới là hoa văn tươi tắn với các màu chủ đạo: đỏ trắng hoặc vàng bạc. Tuy nhiên, đối với những thiệp cưới phong cách hiện đại, màu sắc được cách tân trông sặc sỡ hơn. Trong khi đó, những mẫu thiệp dùng cho các mục đích cá nhân được thiết kế khá đơn giản từ hoa văn đến chất liệu giấy. Chiếm số lượng nhiều nhất trong loại thiệp này là thiệp cảm ơn và thiệp chúc mừng.

Một loại thiệp không thể thiếu trên thị trường thiệp Nhật Bản là thiệp dùng cho đám tang. Tại xứ sở này, người dân cũng sử dụng phong bì tiền khi viếng người quá cố. Thiệp đám tang có màu đen trắng, bạc và xám bạc.

Thiệp dùng cho đám tang ở Nhật

Vùng Asuka thuộc tỉnh Nara, từng là trung tâm văn hóa chính trị quan trọng của nước Nhật. Tại đây, người ta đã tìm thấy đồng tiền kim loại được cho là cổ xưa nhất ở Nhật với tên gọi Fuhonsen được đúc vào thế kỉ thứ VII theo lệnh của Thiên hoàng Temmu. Fuhonsen mô phỏng theo kiểu mẫu của tiền tệ Trung Quốc thời đó. Trên đồng tiền có khắc hai chữ kanji rất đậm nét là “Phú” và “Bản”, tạm dịch “Nền tảng của sự giàu có”.

Fuhonsen – đồng tiền kim loại được cho là cổ xưa nhất ở Nhật

Trước đó, người Nhật dùng những phiến đá đẽo thành hình đầu mũi tên, lúa và mảnh vụn của vàng để làm phương tiện trao đổi. Tuy nhiên, lúc bấy giờ, tại Trung Hoa đại lục, tiền kim loại đã được lưu hành rộng rãi trong giao dịch mua bán. Trong quá trình giao lưu văn hóa, hệ thống tiền tệ của Nhật chịu ảnh hưởng rất lớn từ Trung Quốc.

Tiền kim loại bằng đồng Wado-kaichin được triều đình Heijo-kyo phát hành vào năm 708. 52 năm sau, khi lượng vàng nội địa trở nên dồi dào, đồng tiền kim loại bằng vàng đầu tiên của Nhật Kaiki-shoho được đưa vào giao dịch. Giai đoạn sau đó, mỗi triều đại lần lượt cho ra đời những mẫu tiền kim loại khác nhau. Tuy nhiên, do nguồn nguyên liệu hạn chế, những đồng tiền kim loại của Nhật được đúc với kích thước khá nhỏ và chất lượng kém.

Nửa sau thế kỉ thứ X, tiền tệ Nhật Bản bước vào thời kì đen tối. Chính quyền ra lệnh tạm ngưng sản xuất tiền kim loại trong nước, thay vào đó là tăng cường nhập khẩu tiền của Trung Quốc để dùng trong mậu dịch. Tiền tệ Trung Quốc được người Nhật sử dụng xuyên suốt hơn 600 năm sau đó.

Mãi đến thế kỉ XVI, Nhật Bản mới bắt đầu đúc tiền kim loại trở lại. Lúc bấy giờ, thế lực của các lãnh chúa lớn mạnh, mỗi người hùng cứ một phương, họ thiết lập hệ thống chính trị riêng và sản xuất tiền để giao dịch trong địa hạt. Vì vậy, các lãnh chúa đẩy mạnh tìm kiếm và khai thác nguồn kim loại quí vàng và bạc tại khu vực đồi núi.

Mỏ vàng Iwami thuộc quyền quản lí của lãnh chúa Mori Moto-nari. Vị lãnh chúa này đã sử dụng số vàng dồi dào khai thác được để sản xuất vô số tiền kim loại bằng vàng có hình bầu dục. Ông dùng số tiền trên làm tài sản giao dịch thương mại để lấy các loại hàng hóa khác để tăng cường quân đội và củng cố sức mạnh. Cũng trong giai đoạn này, lãnh chúa Takeda Shingen nắm quyền chi phối khu vực hiện nay là tỉnh Yama-nashi. Shingen cũng sử dụng nguồn nguyên liệu vàng trong lãnh địa của mình để đúc những đồng kim loại bằng vàng. Tiền vàng của Shingen có hình tròn và kỹ thuật chạm khắc tinh xảo hơn tiền vàng của lãnh chúa Moto-nari.

Tuy nhiên, đồng tiền vàng được xem là xa xỉ nhất lúc bấy giờ là của lãnh chúa Toyo-tomi Hide-yoshi – nhân vật có công thống nhất Nhật Bản sau này. Hide-yoshi đã ra lệnh đúc đồng tiền vàng Tensho-oban bầu dục có chiều dài 17 cm, rộng 10 cm và nặng 160 gram. Nó được xem là đồng tiền vàng có kích thước lớn nhất trên thế giới. Nếu xét theo thời giá hiện nay, một đồng Tensho-oban tương đương 50 triệu yên, tức hơn 11 tỉ đồng Việt nam.

Đồng Tensho-oban có hình bầu dục
Tất cả các loại tiền vàng trên đều được sử dụng với một mục đích chung là gia tăng sức mạnh của chính quyền địa phương. Nói một cách khác, tiền tệ vào thời điểm này thể hiện quyền lực của lãnh chúa.

Đến thời Edo, hệ thống tài chính của Nhật Bản dần được hình thành với chủ trương sử dụng các loại tiền chung trên cả nước. Sau khi Nhật Bản thống nhất hoàn toàn, vị Tướng quân đầu tiên của nước này là Toku-gawa Ie-yasu đã quyết định đặt mỏ vàng và mỏ bạc của các địa phương nằm dưới sự quản lí của chính quyền Mạc phủ. Điều này nhằm tránh nguy cơ lãnh chúa khu vực khai thác nguồn kim loại quí đúc tiền củng cố quyền lực để tạo phản.

Chính quyền Mạc phủ cho đúc 3 loại tiền gồm tiền vàng, bạc và đồng. Hệ thống tiền tệ sơ khởi này được chi phối chặt chẽ bởi chính quyền. Tiền tệ được sử dụng thống nhất trên cả nước đã góp phần thúc đẩy thương mại và phát triển kinh tế. Nó cũng giúp thiết lập nhiều hoạt động tài chính liên quan đồng thời tạo mối gắn kết cộng đồng bền vững.

Vào thời Minh Trị, Nhật Bản chủ trương hiện đại hóa đất nước bằng cách học tập văn minh phương Tây. Các lĩnh vực kinh tế, xã hội và đời sống chuyển biến mạnh mẽ. Kỹ thuật đúc tiền của Châu Âu cũng được ứng dụng để tạo ra một loại tiền mới. Nó được gọi là tiền yên, tiếng Nhật có nghĩa là “vật hình tròn”.
(Thanh Tâm)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Share

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites